CẬN THỊ HỌC ĐƯỜNG

80-90% trẻ em Việt Nam sẽ bị cận thị đây là dự báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về tỉ lệ trẻ em sẽ bị cận thị ở châu Á, trong đó có Việt Nam, vào năm 2050.

  • Tật khúc xạ gồm cận, viễn, loạn thị là rối loạn về mắt thường gặp ở người trẻ.
  • Số người bị suy giảm thị lực dẫn đến mù lòa do tật cận thị nặng dự tính sẽ tăng gấp 4 lần vào năm 2050 trên toàn thế giới. Báo động tật cận thị sẽ có nguy cơ lớn trở thành nguyên nhân gây mù lòa hàng đầu trên toàn thế giới và vượt qua cả bệnh đục thủy tinh thể hiện đang đứng top đầu.
  • Nếu tính riêng nhóm trẻ từ 6 – 15 tuổi (lứa tuổi cần ưu tiên được chỉnh kính) cả nước có khoảng gần 15 triệu em, với tỷ lệ mắc các tật khúc xạ khoảng 20%, thì Việt Nam ước tính gần 3 triệu em mắc tật khúc xạ cần chỉnh kính, trong đó có tới 2/3 bị cận thị, tỷ lệ trẻ mắc khúc xạ ở các thành phố lớn 50-70%, chủ yếu là cận thị.

A. PHÂN LOẠI CẬN THỊ

Cận thị nhẹ: Từ -0.25 đi-ốp đến -3 đi-ốp

Cận thị trung bình: Từ -3.25 đi-ốp đến -6 đi-ốp

Cận thị nặng: Từ -6.25 đi-ốp trở lên

Có nhiều cách phân loại cận thị, thế nhưng cách phân loại phổ biến nhất là chia thành 2 nhóm: Cận thị học đường và cận thị bệnh lý.

  • Cận thị học đường hay cận thị trên người trẻ (từ 8 – 22 tuổi) bắt đầu hình thành đầu cấp II, độ cận tăng dần theo năm tháng đi học, mỗi năm 0,5 – 1 độ, (đi-ốp – D) dừng lại khoảng 6D.
  • Cận thị bệnh lý (cận thị thoái hóa): Có yếu tố di truyền, số kính tiếp tục gia tăng sau tuổi trưởng thành, cận đến 10D hoặc hơn, không thể đeo đúng số, nhiều biến chứng, thị lực khó đạt mức tối đa mặc dù đã cố gắng chỉnh kính.

Cận thị học đường tiến triển nhanh trong giai đoạn từ 5 đến 15 tuổi, trung bình mỗi năm mắt có thể tăng từ 0.75 đến 1 độ. Nếu không được chăm sóc và kiểm soát tốt mắt có thể tăng độ nhiều hơn.

Cận thị là một tật khúc xạ ở mắt gây rối loạn chức năng thị giác. Ở người bình thường, các tia sáng khi đi vào mắt sẽ được hội tụ tại một điểm trên võng mạc giúp tạo thành hình ảnh rõ ràng, sắc nét. Tuy nhiên, ở người bị cận, các tia sáng lại hội tụ phía trước võng mạc, điều này khiến những ai bị cận khi nhìn các vật ở gần sẽ thấy rõ, trong khi vật càng xa thì càng thấy mờ.

B. BIỂU HIỆN VÀ NGUYÊN NHÂN CẬN THỊ HỌC ĐƯỜNG

Trong những năm gần đây, tật khúc xạ phổ biến hay gặp nhất ở lứa tuổi học sinh. Các em học sinh khi bị cận thị học đường thường gặp trở ngại trong việc nhìn xa, ảnh hưởng đến khả năng học tập, vui chơi và sinh hoạt hàng ngày. Cận thị không có những dấu hiệu rõ rệt nên rất khó phát hiện. Trẻ em thường không hiểu rõ được tật khúc xạ (cận thị) là gì nên không nói với người lớn, đến khi cha mẹ phát hiện thì trẻ đã bị cận nặng. Vì vậy các bậc cha mẹ phải thường xuyên chú ý đến biểu hiện của con cái giúp phát hiện kịp thời tật khúc xạ (cận thị). 

Một số biểu hiện

Cận thị nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến học tập, sinh hoạt: trẻ sẽ bị hạn chế về độ nhìn, ảnh hưởng kết quả học tập, sinh hoạt. Ngoài ra nếu cận thị cao mà không phát hiện kịp thời sẽ dẫn đến tình trạng nhược thị. Đây là tình trạng trẻ có đeo kính nhưng thị lực cũng không lên được tối đa. 

Ngoài ra cận thị cao cũng kéo theo nhiều biến chứng như: bong võng mạc, thoái hoá dịch kính, hoá lỏng dịch kính, bệnh lý glocom… Những bệnh lý này cần phát hiện kịp thời để đưa ra hướng xử lý.

Nếu thấy trẻ có những biểu hiện sau hãy đưa trẻ đến các bệnh viện mắt gần nhất để khám và chẩn đoán điều trị:

-Hay nheo mắt, nghiêng đầu khi xem tivi hoặc nhìn một vật ở xa.

-Hay tiến lại gần khi xem tivi hoặc bảng; hoặc trẻ thường phải chép bài của bạn, hay chép đề bài sai hoặc viết sai chữ.

-Khi đọc hay bị nhảy hàng, hoặc phải dùng ngón tay để dò theo các chữ.

-Đọc sách hay cúi mặt;

-Chớp mắt, dụi mắt mặc dù trẻ không buồn ngủ; nghiêng đầu để dùng một mắt nhiều hơn mắt kia,…

-Thấy mỏi mắt, nhức mắt, đau đầu khi học bài, đọc sách.

-Trẻ hay than mỏi mắt nhức đầu, hay chảy nước mắt, trẻ không thích thú với các môn học ngoài trời hay sợ ánh sáng hoặc chói mắt.

Nguyên nhân gây cận thị học đường

  • Do di truyền

Cận thị liên quan nhiều đến cấu trúc mắt, vì thế tật cận thị hoàn toàn có thể di truyền. Cận thị do di truyền chiếm 25%. Một số nghiên cứu đã chứng minh có khoảng 24 gen liên quan đến việc tăng nguy cơ phát triển cận thị. Các nghiên cứu đã cho thấy tỷ lệ cận thị cao hơn ở những trẻ có cha mẹ cận thị, có đến 33-60% số lượng học sinh bị cận thị có cha và mẹ bị cận thị. Trong đó, chỉ có 6-15% ở những trẻ có cha mẹ không bị cận thị.

Thông thường bố mẹ bị cận thị dưới 3D thì khả năng di truyền sang con cái rất nhỏ. 100% trẻ bị cận thị bẩm sinh nếu bố mẹ cận trên 6 độ, cả bố và mẹ bị cận thì con có nguy cơ di truyền đến 60%, giảm còn 40% nếu chỉ 1 trong 2 bị cận.

Sinh non, nhẹ cân: Trẻ sinh non từ 2 tuần trở lên, trẻ sinh nhẹ hơn 2.4kg có nguy cơ cao bị cận thị khi bắt đầu đi học.

  • Lối sống

Liên quan đến việc học tập

Việc đọc trong điều kiện thiếu sáng, tư thế đọc không đúng (nằm đọc), khoảng cách giữa mắt và sách dưới 30cm cũng gây cận thị.

Áp lực học hành lớn: Trẻ em hiện tại dành quá nhiều thời gian cho việc học hành, ít tham gia các hoạt động ngoài trời. Điều này làm tăng thời gian nhìn gần, giảm thời gian nhìn xa khiến mắt luôn phải điều tiết, dễ dẫn đến cận thị.

  • Liên quan đến việc lạm dụng công nghệ

Trẻ em được tiếp xúc sớm với các thiết bị điện tử như: Laptop, máy tính bảng, tivi, điện thoại… có nguồn ánh sáng xanh khá nguy hiểm (dù hiện nay các hãng công nghệ đã hạn chế tốt đa lượng phát xạ ánh sáng xanh từ màn hình điện tử), người lớn cũng quen dần với việc lạm dụng chúng hàng ngày khiến cho tình trạng cận thị ở Việt nam ta ngày càng gia tăng cấp độ với con số đáng báo động.

Thực trạng hiện nay trẻ thường được bố mẹ, người thân cho sử dụng điện thoại, laptop hoặc xem tivi hàng giờ không còn xa lạ. Việc làm này vô tình hủy hoại dần đi đôi mắt của trẻ. Ánh sáng xanh nguy hại phát ra từ màn hình công nghệ tác động trực tiếp phá hủy các tế bào biểu mô, sắc tố võng mạc, khi sử dụng các thiết bị điện tử, mắt luôn trong trạng thái điều tiết theo thời gian thủy tinh thể luôn phồng lên mà không thể xẹp xuống như hình dạng ban đầu, là nguyên nhân chính dẫn đến mắt dễ bị khô và gia tăng tật khúc xạ (cận thị).

Sau một mùa dịch covid hoành hành, trẻ em phải học online, tiếp xúc với thiết bị hàng ngày đã khiến cho tỷ lệ mắc tật cận thị ở trẻ em gia tăng chóng mặt. Đặc biệt, các chuyên gia đã cảnh báo thực tế tại nước ta hiện nay có rất nhiều bố mẹ để con bị lệ thuộc rất nhiều vào các thiết bị điện tử hàng ngày. Thậm chí để cho trẻ sử dụng chúng ngay cả khi đã lên giường, trong điều kiện tắt đèn, thiếu ánh sáng rất hại mắt.

  • Không khám mắt định kỳ

Việc khám mắt định kì 3 hay 6 tháng 1 lần giúp cho việc theo dõi sức khỏe mắt.

  • Chế độ dinh dưỡng chưa phù hợp.

Yếu tố dinh dưỡng tuy không thể làm giảm tật cận thị nhưng sẽ giúp tăng cường sức khỏe mắt, hạn chế tăng độ với trẻ mắc cận thị học đường. Những thực phẩm như: cá, trứng, cà chua, cà rốt, cải bó xôi, các loại hạt… chứa nhiều vitamin A, B, E… ngoài việc cải thiện thị lực còn giúp ngăn ngừa các bệnh về mắt.

C. HẬU QUẢ CỦA CẬN THỊ HỌC ĐƯỜNG

Các em học sinh còn rất nhỏ đã phải đeo cặp kính rất to, nặng. Hạn chế kết quả học tập vì do nhìn mờ chữ, viết chậm hơn so với các bạn cùng lớp, nhanh mỏi mắt. 

Hạn chế tham gia các hoạt động thể lực, hạn chế  vui chơi sinh hoạt một số lĩnh vực. 

Nếu không được đeo kính chỉnh mắt thì độ cận ngày càng tăng nhiều, có thể dẫn đến biến chứng thoái hóa sắc tố võng mặc, bong võng mạc gây mù lòa.

Cận thị nếu không được phát hiện và điều chỉnh kịp thời, thị lực kém sẽ làm giảm khả năng học tập, ảnh hưởng tới mặt thể chất (trẻ ngại vận động, chơi thể thao gây ra béo phì hoặc suy dinh dưỡng…), tinh thần (trẻ có cảm giác tự ti, mất tự tin trong giao tiếp với bạn bè), ngoài ra có thể gây nhược thị. Nhược thị là tình trạng mắt không đưa được những thông tin rõ nét về hình ảnh của sự vật lên não, trung tâm thị giác tại não sẽ lười hoạt động và từ từ dẫn đến giảm khả năng phân tích của não dẫn đến giảm sút thị lực mặc dù không có tổn thương thực thể nào tại mắt. Thị lực có thể phục hồi nếu nhược thị được điều trị khi trẻ dưới 6 tuổi, nhưng khi trẻ đã lớn sẽ rất khó thậm chí không thể hồi phục. Trong trường hợp nhược thị sâu có thể dẫn đến lé, song thị . . . Do vậy, phát hiện sớm để được điều trị kịp thời là rất quan trọng.

D. CÁCH PHÒNG TRÁNH – CÁCH BẢO VỆ MÁT HẠN CHẾ TĂNG ĐỘ VÀ SUY GIẢM THỊ LỰC

Một trong những điều cốt yếu nhất về thị lực là ánh sáng thích hợp. Hãy luôn luôn đảm bảo cho con bạn có ánh sáng tốt khi đọc sách hoặc học tập. Cả ánh sáng quá mạnh lẫn ánh sáng quá mờ đều làm cho mắt trẻ mệt mỏi, cần phải tránh. 

  • Không để trẻ đọc sách, viết chữ liền trong thời gian dài. Chỉ 1 giờ là phải nghỉ đọc, viết một lát, nhìn ra xa để cho mắt được nghỉ ngơi thư giãn, cũng không nên xem ti vi 2 – 3 giờ liền.
  • Kiểm soát khoảng cách đọc sách và viết chữ của trẻ. Khoảng cách từ mắt đến mặt trang sách, trang giấy cần khoảng 30 – 50cm. Đồng thời phải chú ý đến cả tỷ lệ cao thấp của ghế tựa. Nếu độ cao này không thích hợp, phải điều chỉnh.
  • Không nằm, quỳ để đọc sách hoặc viết bài.
  • Không đọc sách báo, tài liệu khi đang đi trên ô tô, tàu hỏa, máy bay.
  • Việc xây dựng thời lượng học tập của Bộ Giáo dục và Đào tạo hiện nay (35-45 phút một tiết học, có 5-10 phút chuyển tiết và có giờ giải lao 15-20 phút sau mỗi ba tiết học) đã dựa trên khả năng tập trung của mắt. 
  • Khi xem ti vi, video phải ngồi cách xa màn hình tối thiểu 2,5 m, nơi ánh sáng phòng phù hợp. Thời gian xem cần ngắt quãng, không quá 45-60 phút mỗi lần xem.
  • Không nên cho trẻ dưới 2 tuổi xem tivi mà hãy cho trẻ vui chơi, hoạt động bên ngoài nhiều hơn. Một số quốc gia như Pháp, việc cho trẻ em chưa đến 3 tuổi xem tivi thậm chí được xem là hành vi phạm pháp.
  • Theo trang Health+ (do Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam (VAFF) chủ quản), bé nên ngồi cách tivi với khoảng cách gấp 4 – 5 lần kích thước đường chéo màn hình (kích thước đường chéo màn hình chính là số inch, 1 inch = 2.54cm). Ví dụ, tivi nhà bạn 40 inch thì khoảng cách an toàn khi trẻ xem là khoảng 4m.
  • Nên lưu ý khoảng cách từ mắt đến tivi để lắp đặt và điều chỉnh vị trí của nội thất (nếu có thể) sao cho chuẩn nhất. Việc này không chỉ giúp bạn có trải nghiệm xem tốt hơn mà còn bảo vệ mắt cũng như tư thế của bạn và con trẻ trong quá trình ngồi xem.
  • Để phòng tránh tác hại của ánh sáng xanh, phụ huynh nên sắp xếp cho trẻ thời gian biểu học tập hợp lý, chỉnh chế độ “night light” trên màn hình máy tính hay bật chế độ “bảo vệ mắt” trên điện thoại thông minh. Bên cạnh đó, trẻ cần được mang kính có chức năng lọc ánh sáng xanh khi sử dụng thiết bị điện tử lâu dài.
  • Thường xuyên tham gia các hoạt động vui chơi ngoài trời. Điều này không chỉ tốt cho mắt mà còn tăng sức đề kháng ở trẻ.
  • Đi khám mắt định kỳ 3 hay 6 tháng / lần để kịp thời phát hiện tật khúc xạ ở trẻ.
  • Khi đi ra ngoài nên che chắn cho mắt để hạn chế ánh sáng mạnh chiếu trực tiếp vào mắt.
  • Ăn nhiều thực phẩm tốt cho mắt. Thường xuyên bổ sung các vi chất như vitamin A, C, E, chất khoáng có trong rau củ, trái cây tươi, thịt, cá. Giúp tăng cường sức khỏe mắt, phòng tránh các bệnh về mắt.
  • Đeo kính: Nếu bạn được khuyên nên sử dụng kính theo toa để điều chỉnh thị lực, hãy đảm bảo bạn đeo kính theo khuyến nghị. Hãy khám mắt định kỳ và nhận tư vấn từ bác sĩ chuyên khoa mắt.
  • Thư giãn: Hãy tuân theo quy tắc 20-20-20. Cứ sau 20 phút, hãy nhìn vào vật nào đó cách xa 20 feet (khoảng 6 mét) trong ít nhất 20 giây. Chớp mắt: Hãy rèn luyện để chớp mắt thường xuyên hơn. Nếu cần, hãy sử dụng nước mắt nhân tạo để giúp mắt bớt khô, giảm mỏi mắt.

E. ĐIỀU TRỊ CẬN THỊ HỌC ĐƯỜNG NHƯ THẾ NÀO

  • Trẻ cận thị cần được đeo kính phù hợp với độ cận để cải thiện tầm nhìn hỗ trợ cho việc học tập và sinh hoạt đồng thời làm quá trình tiến triển của cận thị, cũng tùy theo mức độ cận thị mà trẻ có thể đeo kính thường xuyên hay chỉ khi nào cần nhìn xa (cha mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ chuyên môn để được tư vấn cụ thể). 
  • Trẻ bị cận thị cần được đi khám và đeo kính phù hợp với độ cận của mắt. 
  • Đeo kính thường xuyên lâu dần sẽ khiến mắt giảm khả năng điều tiết ngay cả khi nhìn gần khiến mắt bị phụ thuộc vào kính. Nhưng không vì thế mà bạn không đeo kính thường xuyên vì sẽ làm tăng độ nhanh chóng. Việc đeo kính bao nhiêu một ngày tùy thuộc vào từng độ cận, những người cận trên 2 độ hầu như phải đeo kính thường xuyên và trong hầu hết các sinh hoạt thường ngày.
  • Đeo kính giúp mắt tránh bị quá tải, giúp người bị cận nhìn rõ sự vật khi xa và cả khi ở gần. Đeo kính đúng cùng với việc duy trì thói quen sinh hoạt điều độ sẽ giúp ngăn chặn cận thị tiến triển.
  • Chất lượng mắt kính rất quan trọng nhưng vai trò của gọng kính cũng không kém. Chọn gọng kính chất lượng, phù hợp với gương mặt sẽ giúp bạn dễ chịu hơn khi đeo kính đồng thời cũng giúp tăng tính thẩm mỹ, sự tự tin trong giao tiếp.
  • Khi đeo kính không đúng độ cận của mắt sẽ khiến mắt khó chịu, đau, mỏi mắt, quá tải và chảy nước mắt thường xuyên hơn. Nếu mắt phải điều tiết nhiều hơn bình thường, lâu dần khiến mắt yếu đi, tăng độ cận nhanh hơn.

Do đó, trẻ cần phải đi thăm khám bác sĩ 3 đến 6 tháng/lần và những khi mắt có dấu hiệu tăng độ cận để kiểm tra tình trạng mắt và cắt lại kính khác nếu tăng độ cận.

Không tự ý dùng kính đeo không đúng tiêu chuẩn. Khi đeo kính cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa Mắt.

  • Sử dụng kính tiếp xúc đeo ban đêm Ortho-K: Phương pháp này thường sử dụng cho trẻ em tăng độ cận nhanh hoặc những người cận thị nhưng không muốn phẫu thuật hay chưa đủ tuổi phẫu thuật (dưới 18 tuổi). Nhược điểm của kính này là chi phí khá cao, giảm hiệu quả với trường hợp cận thị nặng và khả năng bị viêm nhiễm mắt nếu vệ sinh không đúng cách, đồng thời trẻ em phải có được ý thức tốt trong việc hiểu và sử dụng kính để đảm bảo an toàn.
  • Phẫu thuật tật khúc xạ (LASIK, Femto, SMILE, Phakic, thay thể thủy tinh,…): Chỉ dành cho người từ đủ 18 tuổi trở lên.

 

Vì vậy trẻ em cần đeo kính phù hợp để không hại mắt, không khiến cho tình trạng cận thị gia tăng cấp độ nặng thêm. Hàng ngày trẻ dành ít nhất một giờ mỗi ngày hoạt động thể chất ngoài trời, để rời xa máy tính, tivi hoặc điện thoại.

Chất lượng mắt kính rất quan trọng nhưng vai trò của gọng kính cũng không kém. Chọn gọng kính chất lượng, phù hợp với gương mặt sẽ giúp bạn và trẻ dễ chịu hơn khi đeo kính đồng thời cũng giúp tăng tính thẩm mỹ, sự tự tin trong giao tiếp.

Về mắt kính nên chọn những loại có các chức năng chống chói lóa, chống tia cực tím, chống ánh sáng xanh,… để có thể bảo vệ mắt tốt hơn.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Contact Me on Zalo