NHẬN BIẾT VỀ BỆNH LÝ VIÊM MÀNG BỒ ĐÀO

NHẬN BIẾT VỀ BỆNH LÝ VIÊM MÀNG BỒ ĐÀO

Màng bồ đào giúp cung cấp chất dinh dưỡng cho mắt là cấu trúc từ 3 bộ phận gồm mống mắt (vòng màu ở xung quanh đồng tử), thể mi (nằm ở giữa giúp tiết ra thủy dịch), hắc mạc nằm ở trong cùng, chứa nhiều tế bào sắc tố và mạch máu nuôi mắt.

Viêm màng bồ đào là một thuật ngữ chung được sử dụng khi có tình trạng kích ứng, viêm bên trong mắt. Viêm màng bồ đào có thể kết hợp với viêm các bộ phận khác của mắt như giác mạc, củng mạc, võng mạc, thuỷ tinh thể và dây thần kinh thị giác.

Viêm màng bồ đào có thể gặp ở bất cứ lứa tuổi nào, theo thống kê, tỷ lệ viêm màng bồ đào ở trẻ em chiếm 5 – 10% các trường hợp viêm màng bồ đào. Viêm màng bồ đào là nguyên nhân gây mù đứng hàng thứ 4 trên toàn thế giới.

Mặc dù không phổ biến nhưng đây là một tình trạng nghiêm trọng tiềm ẩn và nếu không được điều trị hoặc điều trị không đúng cách, có thể ảnh hưởng đến cả hai mắt, bệnh có thể tự khỏi và dễ tái phát. Theo thời gian, tình trạng này có thể làm tổn thương hoặc phá hủy cấu trúc mắt tạo sẹo và gây mất thị lực.

Viêm màng bồ đào có thể xảy ra trong thời gian ngắn (còn được gọi là cấp tính) hoặc lâu dài (mạn tính). Các dạng viêm màng bồ đào nghiêm trọng nhất có nguy cơ tái phát nhiều lần.

TRIỆU CHỨNG CỦA BỆNH

Viêm màng bồ đào xuất hiện đột ngột hoặc diễn biến âm thầm trong thời gian kéo dài. Các triệu chứng ban đầu của viêm màng bồ đào có thể nhẹ hoặc nặng, tùy thuộc vào vào vị trí của màng bồ đào và mức độ nặng nhẹ của viêm.

Dưới đây là 1 số dấu hiệu: 

  • Giảm thị lực (ở nhiều mức độ), nhìn mờ là dấu hiệu dễ nhận biết nhất, cảm giác nhìn mọi vật qua màn sương, dấu hiệu này hay gặp ở viêm màng bồ đào trước.
  • Đau nhức trong nhãn cầu âm ỉ, đau đầu có thể kèm theo tăng nhãn áp.
  • Nhạy cảm với ánh sáng như vừa từ bóng râm ra ngoài trời, ánh sáng từ đèn pha, chảy nước mắt.
  • Mắt hay bị cương tụ mạch máu tại kết mạc, dễ nhầm với viêm kết mạc.
  • Nhìn thấy nhiều bóng đen trước mắt (hiện tượng ruồi bay).
  • Người bệnh khó có thể nhìn sự chuyển động và sự vật.
  • Một số bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng toàn thân như đau đầu, sốt nhẹ, ngủ kém, ăn không ngon…

Tuy nhiên, đôi khi người bệnh không hề xuất hiện các triệu chứng như trên và việc chẩn đoán bệnh chỉ thông qua việc khám mắt định kỳ và phát hiện các bất thường của viêm màng bồ đào.

NGUYÊN NHÂN GÂY VIÊM MÀNG BỒ ĐÀO

Tình trạng này có thể gây ra bởi:

  • Viêm nhiễm: Các tác nhân như vi khuẩn, virus, nấm hay ký sinh trùng có thể tấn công vào màng bồ đào gây hoặc nhiễm trùng thứ phát sau phẫu thuật nhãn khoa.
  • Nhiễm trùng: Vi khuẩn (lậu, giang mai, tụ cầu, lao…), vi rút (zona/herpes), nấm (histoplasmosis) hay ký sinh trùng (toxoplasmosis).
  • Nhiễm độc: Do các chất độc hại trong thức ăn, hóa chất.
  • Bệnh tự miễn: Cơ thể tự sinh kháng thể làm tổn thương màng bồ đào và nhiều cơ quan khác như bệnh lupus ban đỏ hệ thống, đa xơ cứng…
  • Do mắc bệnh toàn thân như bệnh máu, bệnh da liễu, bệnh Behcet, viêm cột sống dính khớp, viêm khớp tự phát, viêm khớp phản ứng, bệnh viêm ruột, bệnh sarcoidosis, …
  • Những người có hệ thống miễn dịch bị tổn thương, chẳng hạn như thường gặp trong các bệnh viêm khớp dạng thấp, đa xơ cứng, tiểu đường type 1, những người bị nhiễm vi rút HIV hoặc những người dùng thuốc ức chế hệ thống miễn dịch.
  • Chấn thương trực tiếp hoặc phẫu thuật mắt
  • Một nửa số trường hợp mắc bệnh không thể tìm ra nguyên nhân cụ thể. Đây gọi là tình trạng viêm màng bồ đào tự phát.
  • Mặc dù hiếm gặp, một số loại thuốc (như pamidronate, rifabutin, kháng sinh sulfonamide, cidofovir) có thể gây viêm màng bồ đào.

PHÂN LOẠI VIÊM MÀNG BỒ ĐÀO

Dựa trên vị trí tổn thương của mắt, viêm màng bồ đào được chia thành 3 nhóm sau:

  • Viêm màng bồ đào trước là tình trạng viêm ở phía trước của màng bồ đào, bao gồm viêm mống mắt và viêm mống mắt thể mi. Đây là nhóm thường găp nhất. Các triệu chứng thường bắt đầu đột ngột và có thế kéo dài nhiều tuần. Diễn tiến bệnh thường cấp tính, ít gặp hơn là mạn tính hoặc tái phát trở lại.
  • Viêm màng bồ đào trung gian là tình trạng viêm ở giữa màng bồ đào và thường liên quan đến khoang dịch kính. Các triệu chứng có thế kéo dài trong một vài tuần đến nhiều năm. Bệnh có thế tái phát theo từng đợt.
  • Viêm màng bồ đào sau là tình trạng viêm ở phía sau của màng bồ đào  bao gồm viêm võng mạc, viêm hắc mạc, hoặc viêm gai thị. Bệnh thường tiến triển từ từ trong nhiều năm.
  • Viêm màng bồ đào lan tỏa là tình trạng viêm ảnh hưởng đến toàn bộ màng bồ đào.

Viêm màng bồ đào cũng được phân loại theo tính chất khởi phát (đột ngột hoặc từ từ), thời gian (giới hạn hoặc kéo dài), và diễn biến (cấp tính, tái phát, hoặc mãn tính)

Trong số 4 loại viêm màng bồ đào, 3 loại viêm là viêm màng bồ đào giữa, sau và toàn phần có thể gây những biến chứng nguy hiểm hơn so với viêm màng bồ đào trước.

Đôi khi viêm màng bồ đào được gọi bằng tên của bộ phận cụ thể bị viêm chằng hạn viêm mống mắt, viêm hắc mạc… Viêm màng bồ đào chỉ giới hạn trên một mắt ở nhiều người, nhưng có thể liên quan đến cả hai mắt.

VIÊM MÀNG BỒ ĐÀO CÓ NGUY HIỂM KHÔNG?

Nếu không được điều trị, viêm màng bồ đào có thể gây ra các vấn đề lâu dài như:

  • Đục thủy tinh thể.
  • Dính hoặc bít đồng tử: thường gặp trong viêm màng bồ đào trước.
  • Tổn thương dây thần kinh thị giác có thể dẫn đến mất thị lực.
  • Bệnh tăng nhãn áp, quá trình viêm ngăn chặn sự tiêu thoát nước do tăng áp lực bên trong mắt có thể dẫn đến bệnh glôcôm.
  • Phù hoàng điểm, bong võng mạc và có thể dẫn đến mù lòa.
  • Sẹo võng mạc ở các điểm, có thể dẫn đến mất thị lực.
  • Giảm thị lực dần dần mất thị lực vĩnh viễn.
  • Vẩn đục dịch kính: Quá trình viêm gây biến cấu trúc dịch kính, khiến các sợi collagen co cụm, kết tụ thành đám làm vẩn đục dịch kính và gây ra hiện tượng ruồi bay trước mắt.
  • Teo nhãn cầu: Thể mi bị viêm nặng làm giảm tiết thủy dịch vĩnh viễn (thủy dịch có vai trò duy trì hình dạng nhãn cầu), dẫn đến teo nhãn cầu

ĐIỀU TRỊ VIÊM MÀNG BỒ ĐÀO

Điều trị viêm màng bồ đào sẽ phụ thuộc nguyên nhân gây bệnh và tình trạng bệnh của từng người bệnh.

Việc điều trị viêm màng bồ đào giúp giảm đau và khó chịu trong mắt, chữa trị các nguyên nhân tiềm ẩn (nếu có) và giảm viêm. Việc này có thể giúp ngăn ngừa tình trạng mất thị lực vĩnh viễn hoặc các biến chứng khác. Một số thuốc được bác sĩ chỉ định bao gồm:

  •   Điều trị bằng nội khoa:

Với viêm màng bồ đào trước: cho nhỏ thuốc làm dãn đồng tử, chống dính đồng tử

Với viêm màng bồ đào nói chung, việc sử dụng thuốc sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh.

Thuốc kháng viêm corticoid dạng viên uống, thuốc nhỏ mắt hoặc thuốc tiêm

Thuốc chống viêm không steroid

Thuốc kháng sinh hoặc thuốc kháng virus nếu có nhiễm trùng

Thuốc ức chế miễn dịch…

Điều trị các nguyên nhân tiềm ẩn: điều này có nghĩa là phải điều trị bất kỳ bệnh tự miễn, bệnh gây viêm hoặc tình trạng nhiễm khuẩn tiềm ẩn nào.

  •   Điều trị bằng ngoại khoa:

Với các trường hợp bệnh diễn tiến xấu hơn, viêm nhiễm nặng hoặc bệnh tái đi tái lại nhiều lần làm ảnh hưởng đến thị lực, sử dụng thuốc không có hiệu quả thì cần phải can thiệp bằng phẫu thuật. Việc điều trị viêm màng bồ đào bằng phương pháp phẫu thuật đa số là giải quyết các biến chứng như đục thủy tinh thể, bong võng mạc chu biên, hay phẫu thuật cắt dịch kính…

– Phẫu thuật thay thuỷ tinh: đối với biến chứng đục thủy tinh thể
– Phẫu thuật điều trị tăng nhãn áp: đối với biến chứng tăng nhãn áp
– Phẫu thuật cắt dịch kính: đối với biến chứng về võng mạc
– Phẫu thuật bong võng mạc: đối với biến chứng về võng mạc

Mục tiêu điều trị là giảm đau, ngăn ngừa giảm thị lực do viêm và các biến chứng của viêm màng bồ đào; đồng thời điều trị nguyên nhân gây viêm màng bồ đào.

Điều quan trọng bệnh nhân phải tuân thủ các hướng dẫn điều trị của bác sĩ nhãn khoa một cách cẩn thận trong suốt thời gian điều trị theo quy định; kiểm tra mắt thường xuyên để giúp ngăn ngừa tổn thương và giảm thị lực.

Khi điều trị viêm màng bồ đào, cần xác định xem tình trạng viêm chỉ xảy ra với mắt hay có bất kỳ bệnh tiềm ẩn nào gây ra hay không. Nếu không được điều trị hoặc điều trị dứt điểm, các bệnh tự miễn như viêm khớp dạng thấp sẽ tiếp tục gây viêm màng bồ đào tái phát.

Thuốc có thể được sử dụng dưới dạng viên thuốc, tiêm dưới da hoặc truyền vào máu trong tĩnh mạch. Một số loại thuốc này có thể có tác dụng phụ cần theo dõi chặt chẽ bởi bác sĩ nhãn khoa.

CÁCH PHÒNG NGỪA VIÊM MÀNG BỒ ĐÀO

Bệnh viêm màng bồ đào tự miễn không phòng ngừa được.

Nếu do nhiễm khuẩn thì việc giữ gìn vệ sinh môi trường sống, làm việc, đặc biệt giữ vệ sinh tay sạch sẽ, chỉ ăn chín, uống sôi, tránh ăn các món gỏi, đồ sống để không bị nhiễm ấu trùng giun, sán là điều rất cần thiết để phòng bệnh.

Không rửa mặt bằng nguồn nước ô nhiễm.

Bảo vệ mắt bằng kính khi tiếp xúc với môi trường khói bụi.

Khi có các dấu hiệu của viêm màng bồ đào, bệnh nhân cần đến các cơ sở chuyên khoa mắt để khám và điều trị kịp thời, khẩn cấp.

Nếu phát hiện bị viêm màng bồ đào, người bệnh cần kiên trì điều trị vì bệnh này dễ hay tái phát nên người bệnh cần gắn bó với cơ sở nhãn khoa lâu dài.

Tốt nhất khi có bất cứ bất thường nào tại mắt, bạn hãy nhanh chóng đến khám tại các cơ sở y tế có chuyên khoa mắt như Trung tâm mắt Việt để phát hiện bệnh kịp thời. Thực hiện khám định kỳ 6 tháng 1 lần là cách bảo vệ sức khỏe một cách tốt nhất.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Contact Me on Zalo